Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ, phục hồi cân nặng, chiều cao cũng như tối ưu trí thông minh của trẻ thì trong thực đơn và khẩu phần của con, mẹ cần cung cấp đủ năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng cần thiết.
Thế nào là suy dinh dưỡng?
Suy dinh dưỡng là tình trạng bé bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, điều này làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất cũng như suy giảm sức đề kháng và trí tuệ của trẻ.
Trẻ thường xuyên biếng ăn sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng
Nếu bé của mẹ không may bị suy dinh dưỡng, mẹ cần phải tích cực cải thiện thực đơn để con bắt kịp đà phát triển về cân nặng cũng như chiều cao với những đứa trẻ cùng độ tuổi.
Bé bị suy dinh dưỡng cần chế độ ăn như thế nào?
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển của cơ thể thì thực đơn cho bé là vấn đề mẹ cần quan tâm. Trong đó, chế độ ăn của trẻ cần đáp ứng hai nguyên tắc: tăng năng lượng và tăng chất dinh dưỡng cho trẻ.
Về nguyên tắc tăng năng lượng cho trẻ, mẹ nên bổ sung thêm lượng dầu mỡ, bởi dầu mỡ sẽ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm, đặc biệt là dầu cá hồi, dầu thực vật…và còn rất tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ nữa. Trung bình mỗi bát bột, cháo hoặc cơm mẹ nên cho thêm từ một đến hai muỗng canh dầu hoặc mỡ. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên cố gắng nấu thức ăn đặc hơn và tăng dần số lượng bữa ăn cho trẻ mỗi ngày.
Mẹ nên cung cấp đồ ăn đa dạng cho bé
Về việc tăng chất dinh dưỡng cho bé, thay vì mỗi ngày chỉ cho bé ăn 3 bữa chính, mẹ hãy cố gắng tăng lên 2-3 bữa ăn phụ với sữa, sữa chua và phô mai. Mỗi bữa chính yêu cầu phải cho trẻ ăn đa dạng, đổi món và phải đảm bảo có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng bao gồm:
- Chất bột: Có trong gạo, nếp hoặc các hạt họ đậu…
- Chất đạm: Có trong thịt, cá, trứng, sữa…
- Chất béo: Có trong dầu ăn và mỡ động vật
- Vitamin và khoáng chất: Có trong các loại rau lá màu xanh đậm, củ quả màu vàng, đỏ, cam...
Để cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng này cho bé, mẹ có thể chuẩn bị lượng thực phẩm trong ngày cho bé như sau:
Trẻ 13 -24 tháng:
Ngày ăn 3 bữa chính, mỗi bữa 1 chén cháo đặc đủ chất gồm
Gạo tẻ: 30g (1 nắm tay)
- Thịt nạc: 30g (hoặc 30g nạc cá, tôm, cua, lươn…)
- Rau xanh: 30g
- Dầu: 10ml
Thêm các bữa phụ gồm:
500-600ml sữa giàu năng lượng chia 3 lần trong ngày
Trái cây (chuối, đu đủ …), sữa chua, phô mai
Nếu trẻ vẫn đang giai đoạn bú mẹ, mẹ vẫn phải tiếp tục cho bú và thời gian cho bú mẹ nên kéo dài từ 18 – 24 tháng. Khi cai sữa mẹ, cần cho trẻ bổ sung thêm sữa từ các loại sữa công thức phù hợp tuổi.
Trẻ 25 – 36 tháng:
Bữa chính: 3 bữa, mỗi bữa gồm 1 chén cơm nát với thịt (cá, trứng, tôm...) + ăn với canh rau hay canh khoai củ (50g rau hay củ), thêm ít trái cây tráng miệng (trong đó 1 chén cơm gồm 50-60g gạo, 50g nạc thịt cá tôm…hoặc trứng gà: 1 quả và 10ml dầu mỡ).
Các bữa phụ gồm: sữa chua, phô mai, sữa giàu năng lượng: 200ml/lần x 2-3 lần/ngày.
Ngoài ra, mẹ nhớ thường xuyên thay đổi món ăn cho bé đỡ ngán.
Dưới đây là một số mẫu thực đơn chi tiết cho trẻ ở giai đoạn từ 1 – 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà mẹ có thể tham khảo.