1. Ổn định gây hứng thú:
Các con hãy cùng cô đọc bài Vè con tằm.
- Các con vừa đọc bài vè con gì?
- Hôm nay, cô sẽ cùng chúng mình: Tìm hiểu về con tằm.
2. Hoạt động khám phá:
* HĐ1: Khám phá
- Tìm hiểu về thức ăn của con tằm: Xem clip tằm ăn lá dâu:
+ Các con thấy con tằm đang làm gì?
+ Tằm ăn lá gì đây?
+ Cách tằm ăn như thế nào? ( gặm lần lượt chiếu lá dâu, con thử giống tằm nào..nhằm nhằm nhằm...)
Tằm dâu là loại côn trùng đơn thực. Giải thích: đơn là một, thực là thức ăn. Nghĩa là tằm dâu chỉ ăn duy nhất một loại thức ăn, đó là lá dâu. Các con nhắc lại nào: thức ăn duy nhất của con tằm dâu là lá dâu.
- Tìm hiểu về vòng đời phát triển của con tằm:
- Vậy con tằm sinh ra từ đâu và lớn lên như thế nào? Cô mời các bé cùng theo dõi nhé!
+ Trẻ xem cip về vòng đời của tằm ( có lồng tiếng của giáo viên).
+ Vòng đời tằm:
Giai đoạn 1: Trứng: Ngài đực và ngài cái sẽ kết đôi. Sau đó ngài cái đẻ trứng. một con ngài cái có thể đẻ 300 đến 500 trứng. Trứng hình bầu dục nhỏ, dẹt, màu trắng đục.
Giai đoạn 2: Sâu tằm: Sau 8 đến 10 ngày, trứng sẽ nở ra sâu tằm.Giai đoạn này sâu tằm ăn lá dâu để tích lũy chất dinh dưỡng.Sâu tằm sẽ trải qua khoảng 4 lần lột xác. Sau mỗi lần lột xác, cơ thể sâu tằm lớn lên rất nhanh. Chúng ăn rất nhiều lá dâu. Khi có đủ dinh dưỡng cần thiết là lúc tằm chín. Giờ là lúc tằm bắt đầu nhả tơ làm kén.
Giai đoạn 3: Tằm nhả tơ, kéo kén, chuyển hóa thành nhộng: Tằm sẽ nhả tơ ra từ miệng của nó, nhả tơ từ ngoài vào trong. Con tằm chuyển động không ngừng theo hình số 8 để nhả tơ. Khi kén kín tơ cũng là lúc tằm chuyển hóa thành nhộng.
Giai đoạn 4: Nhộng nở ra ngài:Nhộng nằm trong kén tiếp tục biến đổi và phát triển. Khi nhộng đã thành ngài, ngài cắn vỏ nhộng chui ra, sau đó ngài sẽ cắn kén để chui ra ngoài. Ngài đực và ngài cái gặp nhau để kết đôi. Sau đó, ngài cái thưc hiện công việc của mình là đẻ trứng. Sau đó trứng sẽ nở thành sâu tằm và cứ như vậy vòng đời của tằm diền ra không ngừng.
- Giáo viên khái quát lại bằng hình ảnh vòng đời của tằm gồm 4 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Trứng (Ngài cái đẻ ra trứng.)
+ Giai đoạn 2: Sâu tằm (Trứng nở ra sâu tằm, sâu tằm sẽ lột xác khoảng 4 lần để lớn lên).
+ Giai đoạn 3: Kén nhộng (Tằm nhả tơ, kéo kén, chuyển hóa thành nhộng.)
+ Giai đoạn 4: Ngài (Nhộng nở ra ngài.)
* Đàm thoại cùng trẻ:
- Vòng đời của tằm gồm mấy giai đoạn?
- Giai đoạn 1 là gì? Trứng tằm có đặc điểm gì?
- Sau giai đoạn trứng thì đến giai đoạn nào? Sâu tằm như thế nào? Sâu tằm thực hiện công việc gì? Khi sâu tằm ăn no quá, lớp vỏ ngoài trở lên chật trội thì sâu tằm sẽ làm gì để lớn lên? Bạn nào nhớ, sâu tằm lột xác khoảng mấy lần?
- Khi có đủ dinh dưỡng thìsâu tằm sẽ làm gì? Lúc này là giai đoạn mấy trong vòng đời của tằm?
- Sâu tằm nhả tơ từ đâu? Kéo kén như thế nào? Kén kín tơ rồi thì sâu tằm chuyển hóa thành gì? Đây là giai đoạn mấy?
- Nhộng sẽ nở ra con gì?
- Con ngài sẽ làm gì?...
àTrò chơi với đôi tay xinh: Cô nói tên giai đoạn thì các con dùng đôi tay của mình để minh họa nhé.( Trứng- nắm tay, Sâu- ngón tay bò, Kén- bàn tay này nắm 1 ngón tay của tay kia, Ngài- đan chéo 2 bàn tay)
- Tìm hiểu về kén tằm: Trẻ xem clip tằm nhả kén.
*Quan sát kén tằm, tơ tằm:
- Ở đây, cô cũng có kén tằm. Mời các con cùng xem nhé.
-Cô cùng trẻ xem kén tằm ( 2 rổ kén trắng, kén vàng)
- Trẻ cầm, nghe, ngửi, lắc, kéo sợi tơ ra tìm hiểu...
- Hai cô trò chuyện cùng trẻ.
Cô xin giới thiệu: kén tằm là vỏ bọc bên ngoài của nhộng tằm.
- Các con thấy có mấy loại kén tằm? Hai loại kén này khác nhau ở đặc điểm nào? Kén tằm có dạng hình gì? Bạn nào phát hiện ra: vỏ ngoài của kén có gì? Các con có thể kéo thử sợi tơ ra xem. Đây là những sợi tơ tằm mà con sâu tằm nhả ra để tạo thành kén. Những sợi tơ này sẽ dùng để tạo thành tơ tằm.
-Theo các con: kén tằm được dùng để làm gì?
+ Để cho nở ra ngài và ngài đẻ trứng để duy trì vòng đời của con tằm.
+ Để ươm tơ, se sợi để dệt thành vải lụa tơ tằm hoặc có thể thêu tranh lụa tơ tằm.
+Kén tằm còn được dùng để dưỡng da nữa vì kén tằm rất giàu vitamin, protein.
( Thu lại kén tằm)
* Tìm hiểu những ứng dụng của lụa tơ tằm trong đời sống:
Từ lụa tơ tằm, các nghệ nhân tài hoa có thể tạo ra rất nhiều đồ dùng, sản phẩm đẹp mang đậm giá trị làng nghề truyền thống cũng như mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
( trẻ xem hình ảnh ứng dụng của lụa tơ tằm)
- May áo dài truyền thống.May áo sơ mi và ca vát lịch thiệp cho nam giới.Tạo nên những chiếc quạt lụa muôn sắc độc đáo. Những bộ chăn, ga, gối lụa tằm sang trọng. Những chiếc túi xách quý phái. Những chiếc khăn lụa mềm mại, duyên dáng.Những bức tranh thêu từ sợi tơ tằm vô cùng ấn tượng.
- Những ứng dụng này của lụa tơ tằm đã được cô sáng tác thành bài Vè con tằm mà các con đọc đấy.
- Hôm nay, cô hằng và một số bạn lớp mình như bạn A, bạn B…cũng đang sử dụng trang phục từ lụa tơ tằm đấy. Chúng mình thấy thế nào? Trong góc gia đình cũng có những đồ dùng lụa tằm. Lát nữa chơi góc, các con có thể ngắm nhìn, sử dụng và cảm nhận chất liệu lụa tơ tằm.
* Giáo dục: Nghề nuôi tằm dệt lụa mang lại nhiều giá trị kinh tế, thẩm mĩ và văn hóa sâu sắc. Tại thủ đô Hà Nội của chúng mình, có một nơi là thiên đường các sản phẩm lụa tơ tằm. Đó là làng lụa Vạn Phúc- Hà Đông. Hôm nay, các con hãy về nhờ ông bà, bố mẹ cuối tuần cho chúng mình đến tham quan làng lụa Vạn Phúc và chọn cho mình cùng người thân 1 món đồ làm từ vải lụa tơ tằm tuyệt đẹp nhé.
Và bây giờ, là lúc các con chờ đợi nhất. Chúng ta sẽ tham gia trò chơi. Bạn nào tập trung, chơi giỏi, cô sẽ tặng điểm 10.
* Hoạt động 2: Củng cố:
- Trò chơi 1: Trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:
+ Cách chơi: Các con hãy hướng lên màn hình. Nghe kỹ câu hỏi và đáp án trả lời. Ai chọn đáp án nào sẽ click chuột vào đáp án đó hoặc có thể nhờ cô click chuột giúp. Bạn nào giơ tay đầu tiên sẽ có quyền trả lời trước.
+ Luật chơi: Nếu bạn trả lời đúng được cả lớp tặng 1 tràng pháo tay. Nếu bạn trả lời sai, các bạn khác có cơ hội trả lời tiếp.
+ Câu 1: Thức ăn của con tằm là gì?
+Đáp án 1: Lá dâu
+Đáp án 2: Rau bắp cải
+Câu 2: Ngài cái đẻ trứng hay đẻ ra con ?
+Đáp án 1: Ngài cái đẻ ra trứng
+Đáp án 2: Ngài cái đẻ ra con sâu tằm
+ Câu 3: Nghề nuôi tằm sẽ cho sản phẩm gì?
+ Đáp án 1: Lấy tơ tằm
+ Đáp án 2: Lấy mật ong
-Trò chơi 2: Vòng đời của tằm
+ Trên bàn, cô đã chuẩn bị những nguyên vật liệu để các con nặn các giai đoạn trong vòng đời của tằm. Mỗi bạn sẽ nhận 1 chiếc bảng, trên đó cô đã gắn số. Mỗi số tương ứng với một giai đoạn. Ví dụ : con nhận bảng số 1 thì là giai đoạn 1. Con sẽ nặn gì? Nặn như thế nào?....
+ Cô chia trẻ về 3 nhóm. Mỗi trẻ tạo tranh về 1 giai đoạn trong vòng đời phát triển của con tằm bằng các nguyên vật liệu: đất nặn, len, hột hạt...
+ Trẻ thực hiện xong, cô tập trung nhận xét.
- Trò chơi 3: Kết nhóm
+ Cách chơi:Mỗi trẻ cầm 1sản phẩm nặn mà trẻ vừa làm. Vừa đi vòng tròn vừa vận động theo nhạc bài Gummy bear. Khi nào cô nói: “ Kết nhóm, kết nhóm”. Trẻ nói “ Nhóm gì, nhóm gì?”. Cô: “ Nhóm vòng đời của tằm”. Trẻ tìm và ghép sản phẩm của 4 bạn thành 1 vòng đời của tằm.
+ Luật chơi: Nhóm nào kết đúng tạo thành vòng đời của tằm sẽ được thưởng điểm 10. Nhóm nào sai sẽ nhảy lò cò.
+ Cô tổ chức cho trẻ chơi. Lần 2: trẻ đổi sản phẩm cho nhau.
- Cô nhận xét, kiểm tra kết quả chơi theo nhóm. Hướng dẫn trẻ cất đồ dùng.
3. Kết thúc:
- Các con vừa tìm hiểu về con tằm. Cảm xúc của chúng mình lúc này như thế nào?
- Hướng dẫn trẻ cất đồ dùng, chuyển hoạt động.
|