Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo ở một cậu bé 9 tuổi trong một khu vực đã loại trừ bệnh đậu mùa (Smallpox) vào năm 1968. Kể từ đó, hầu hết các trường hợp được báo cáo từ các vùng nông thôn, rừng nhiệt đới của lưu vực Congo, đặc biệt là ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các ca bệnh ở người ngày càng được báo cáo từ khắp Trung và Tây Phi.
– Tại Mỹ: Năm 2003, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên bên ngoài châu Phi là ở Mỹ và có liên quan đến việc tiếp xúc với những con chó đồng cỏ bị nhiễm bệnh. Những con vật nuôi này đã được nuôi chung với chuột túi Gambian và đã được nhập khẩu vào Mỹ từ Ghana. Đợt bùng phát này đã dẫn đến hơn 70 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ.
Các ca bệnh báo cáo ở Mỹ vào tháng 7 và tháng 11 năm 2021 liên quan đến khách du lịch từ châu Phi.
– Ở Vương quốc Anh: Bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được báo cáo ở những du khách từ Nigeria đến Vương quốc Anh vào tháng 9 năm 2018, tháng 12 năm 2019, tháng 5 năm 2021 và tháng 5 năm 2022,
– Ở Singapore vào tháng 5 năm 2019 có ca bệnh liên quan khách du lịch từ châu Phi.
– Vào tháng 5 năm 2022, nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định ở một số quốc gia không lưu hành ( châu Âu, Úc, Mỹ).
Một hình thái tổn thương do nhiễm virus đậu mùa khỉ (Monkeypox virus).
2. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ nặng?
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật qua dịch cơ thể, bao gồm các giọt bắn lớn từ đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ vết thương,...
Bệnh đậu mùa khỉ có lây truyền từ người bệnh sang người lành được cho là xảy ra chủ yếu qua các giọt bắn lớn của đường hô hấp khi tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài. Ở những người sống chung với người mắc bệnh đậu mùa khỉ thì tỉ lệ lây bệnh khoảng 50%. Phần lớn số ca mắc bệnh là trẻ em.
Bởi vậy, có thể nói, bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Người đã tiêm vaccin ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Vấn đề đặt ra là ai có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng khi nhiễm virus này, trường họp nào cần được điều trị.
Trên thực tế đa số trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ là đợt bệnh nhẹ, tự giới hạn mà không cần điều trị cụ thể.
Tuy nhiên, tiên lượng ca bệnh đậu mùa khỉ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình trạng tiêm chủng trước đó, tình trạng sức khỏe ban đầu, các bệnh mắc đồng thời và bệnh đi kèm. Những người cần được xem xét điều trị bao gồm:
Những người mắc bệnh nặng (ví dụ: bệnh xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm não hoặc các bệnh lý khác cần nhập viện).
Những người bị suy giảm miễn dịch ví dụ như: người nhiễm HIV, bệnh bạch cầu, ung thư hạch, bệnh ác tính tổng quát, cấy ghép cơ quan , điều trị hóa trị, chất chống chuyển hóa, bức xạ, chất ức chế yếu tố hoại tử khối u,… có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng khi nhiễm virus đậu mùa khỉ.
Ngoài ra, người sử dụng corticosteroid liều cao, là người nhận ghép tế bào gốc tạo máu <24 tháng sau ghép hoặc ≥24 tháng nhưng bị bệnh ghép với vật chủ hoặc bệnh tái phát, hoặc mắc bệnh tự miễn với suy giảm miễn dịch như một thành phần lâm sàng)… cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc bệnh nặng cần được xem xét điều trị.
Tương tự, các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nặng là : Trẻ em, đặc biệt là bệnh nhân dưới 8 tuổi; Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Những người có một hoặc nhiều biến chứng (ví dụ: nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn; viêm dạ dày ruột với buồn nôn hoặc nôn dữ dội, tiêu chảy hoặc mất nước; viêm phế quản phổi; bệnh đồng nhiễm hoặc các bệnh đi kèm khác).
Những người bị nhiễm virus đậu mùa khỉ bao gồm việc vô tình "cấy" virus vào niêm mạc mắt, miệng hoặc các khu vực giải phẫu khác, nơi nhiễm virus đậu mùa khỉ có thể tạo thành một mối nguy hiểm đặc biệt (ví dụ: bộ phận sinh dục hoặc hậu môn)…, có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng khi nhiễm virus đậu mùa khỉ cần được xem xét điều trị.
Tóm lại, hiện nay WHO và các nước đang làm việc để hiểu rõ hơn về mức độ và nguyên nhân bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Loại virus này là đặc hữu trong một số quần thể động vật ở một số quốc gia, dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh không thường xuyên giữa người dân địa phương và khách du lịch.
Bệnh đậu mùa trên khỉ lây lan nên WHO khuyến khích mọi người cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, chẳng hạn như cơ quan y tế quốc gia (Bộ Y tế), nguồn thông tin chính thống..., về mức độ bùng phát trong cộng đồng (nếu có), các triệu chứng và cách phòng ngừa.
Vì bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc gần gũi tuy nhiên không kỳ thị những người bị bệnh. Nó có thể là một rào cản để chấm dứt một đợt bùng phát, nhưng cũng có thể nó ngăn cản mọi người tìm kiếm sự chăm sóc và dẫn đến sự lây lan không bị phát hiện.
Một số đặc điểm nhận diện bệnh đậu mùa khỉ
- Tổn thương khu trú rõ , khu trú sâu và thường phát triển thành lõm (giống như một chấm trên đỉnh của tổn thương).
- Các thương tổn có kích thước tương đối giống nhau và cùng giai đoạn phát triển trên một vị trí duy nhất của cơ thể (ví dụ: mụn mủ trên mặt hoặc mụn nước ở chân).
- Sốt trước khi phát ban.
- Hạch thường gặp.
- Ban lan tỏa li tâm (tổn thương nhiều hơn ở tay, chân, mặt).
- Tổn thương ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
- Tổn thương thường là đau cho đến giai đoạn chữa lành khi chúng đóng vảy.
Số lượng tổn thương thay đổi nhiều hoặc ít. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, các tổn thương có thể liên kết với nhau cho đến khi các mảng da lớn bong ra.