Cảm lạnh ở trẻ em không được chăm sóc, điều trị đúng cách có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Điều đáng nói là ở độ tuổi này, sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên rất dễ mắc bệnh. Vậy dấu hiệu của bệnh là gì, cha mẹ nên chăm sóc, điều trị bệnh như thế nào để tốt cho sức khỏe của trẻ, những vấn đề này sẽ được chia sẻ chi tiết ngay sau đây.
1. Tại sao trẻ bị cảm lạnh?
1.1. Như thế nào là cảm lạnh ở trẻ em?
Cảm lạnh là bệnh viêm đường hô hấp trên gây ra bởi virus, ở thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng trẻ em thường phổ biến hơn. Trung bình, mỗi năm trẻ có thể bị cảm lạnh khoảng 8 lần, chủ yếu vào giai đoạn giao mùa, khi thời tiết trở lạnh.
Nhiễm virus là nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ em
1.2. Nguyên nhân gây nên cảm lạnh ở trẻ
Có trên 200 chủng virus gây nên cảm lạnh ở trẻ em nhưng thường gặp nhất là Rhinovirus. Chúng có thể lây lan dễ dàng qua tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn chứa virus từ người bệnh khi hắt hơi, ho, nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch vùng mũi họng của người bệnh.
Virus gây cảm lạnh có khả năng tồn tại lâu trên các bề mặt. Khi dùng chung vật dụng hoặc đồ chơi của trẻ bị cảm lạnh thì trẻ cũng có thể lây nhiễm bệnh.
Các yếu tố sau khiến trẻ dễ bị nhiễm cảm lạnh hơn so với trẻ bình thường:
- Mắc bệnh suy giảm miễn dịch hoặc hệ miễn dịch đang suy yếu.
- Trẻ thường xuyên phải hút thuốc lá thụ động.
- Trẻ có cơ địa mẫn cảm, dị ứng ứng thời tiết.
- Trẻ sống trong điều kiện môi trường ẩm thấp, bị ô nhiễm.
- Điều kiện giữ ấm cơ thể trẻ trong mùa lạnh không đảm bảo.
- Trẻ đang ở độ tuổi mầm non, hay đến nơi đông người.
2. Dấu hiệu cảm lạnh ở trẻ em
Trẻ thường có dấu hiệu cảm lạnh sau khi virus xâm nhập vào cơ thể 1 - 3 ngày. Các triệu chứng cảm lạnh ở trẻ em thường gặp nhất là:
- Chảy nước mũi: ban đầu nước mũi trong và loãng nhưng càng về sau càng đặc và chuyển màu xanh hoặc vàng.
- Ngạt mũi.
- Hắt hơi nhiều, đau họng, ho, ngứa họng.
- Đau nhức khắp người.
- Mệt mỏi.
- Sốt nhẹ.
Ngoài những triệu chứng trên đây thì một số trẻ bị cảm lạnh có gặp tình trạng nôn, tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa.
Trẻ bị cảm lạnh thường xuyên có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi
3. Thận trọng với một số biến chứng cảm lạnh ở trẻ
Cảm lạnh ở trẻ em không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách có thể gây nên biến chứng:
- Viêm tai giữa: nếu trẻ có các dấu hiệu cảm lạnh và đồng thời cũng bị sốt lại sau khi đã khỏi cảm, đau tai thì có thể đã mắc viêm tai giữa.
- Hen suyễn: đường hô hấp bị sưng viêm trầm trọng do bị cảm lạnh trong thời gian dài sẽ khiến cho trẻ thở khò khè. Nếu trẻ đã bị hen suyễn từ trước đó thì cảm lạnh có thể khiến cho bệnh lý này tiến triển nặng hơn.
- Viêm xoang: cảm lạnh ở trẻ em tiến triển nhiều ngày mà không được điều trị tích cực sẽ gây sưng, đau xoang do viêm.
- Mắc bệnh lý khác: viêm phế quản, viêm phổi, bệnh đường hô hấp,.. là những biến chứng mà trẻ cũng có thể mắc phải khi bị cảm lạnh.
4. Điều trị cảm lạnh ở trẻ em như thế nào?
Hầu hết các trường hợp cảm lạnh ở trẻ em có thể điều trị tại nhà. Nếu thấy con có dấu hiệu mệt mỏi quá mức, ngủ li bì, quấy khóc dai dẳng, sốt cao, khó thở, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực, hay trẻ có tiền sử hen suyễn hoặc dưới 3 tháng tuổi, cảm lạnh trên 7 ngày, bị nôn nhiều, thở nhanh, nghi ngờ nhiễm trùng tai; thì cha mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ Nhi khoa để được hướng dẫn điều trị hiệu quả.
Trẻ bị cảm lạnh nếu sốt cao kéo dài trên 3 ngày nên được khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị đúng cách
Trẻ bị cảm lạnh có thể được điều trị, chăm sóc tại nhà bằng cách:
- Nghỉ ngơi tại nhà.
- Hạ sốt, cải thiện triệu chứng bằng cách cho trẻ mặc quần áo rộng và thoáng mát, chườm ấm, dùng siro chứa thành phần tự nhiên từ chanh, mật ong hoặc bạc hà cho trẻ uống để giảm ho (chỉ dùng mật ong cho trẻ trên 1 tuổi).
- Bổ sung nước bằng cách: cho bú mẹ nhiều hơn, tăng số lần uống nước mỗi ngày.
- Đa dạng dinh dưỡng nhưng ưu tiên thức ăn dạng lỏng và ăn thành nhiều bữa để trẻ dễ dàng hấp thụ, tăng sức đề kháng.
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ đúng cách với nước muối sinh lý. Đối với trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, cha mẹ cần rửa, hút dịch mũi cho bé thường xuyên. Trẻ trên 2 tuổi cha mẹ nên hướng dẫn con cách hỉ mũi, súc họng và tự khạc đờm, nếu trẻ vẫn chưa tự làm được việc này thì nên dùng công cụ vệ sinh mũi hỗ trợ trẻ.
- Đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc để mau chóng hồi phục.
- Một số loại thuốc chữa cảm lạnh ở trẻ em không kê đơn có thể sử dụng tại nhà để kiểm soát triệu chứng như: Paracetamol, Phenylephrine, Dextromethorphan, thuốc kháng Histamin,... nên được dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Bệnh cảm lạnh ở trẻ em do virus gây nên. Vì thế, việc sử dụng thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị loại trừ virus mà có tác dụng dự phòng bội nhiễm. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho con dùng thuốc kháng sinh để tránh nguy cơ gây tác dụng phụ, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏ của trẻ.
Trẻ nhỏ hệ miễn dịch và sức đề kháng yếu nên dễ bị cảm lạnh. Bởi vậy, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần chăm sóc đúng cách, chú ý theo dõi, kịp thời phát hiện nguy cơ bệnh tiến triển nghiêm trọng và đưa trẻ đến bác sĩ Nhi khoa để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của con mình.