Nếu con trẻ thường xuyên chơi trò chơi trên điện thoại thông minh và sau đó có tình trạng nháy giật mắt, cơ hàm, giật mũi... thì có thể trẻ đã bị hội chứng Tic.
Tật do “cắm” mặt vào điện thoại, máy tính bảng
Hội chứng Tic không gây tổn thương về mặt thể chất đối với trẻ nhưng tạo thành tật trong não, không có thuốc điều trị dứt điểm mà chủ yếu là điều chỉnh tâm lý, thói quen, cách sinh hoạt
Thấy con gần đây thường có biểu hiện giật mắt, nhíu mày, nhăn mũi, chị Đ.T.B (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) đã cho con - bé N.M.N (5 tuổi) đi khám mắt. Qua thăm khám và làm nhiều kiểm tra, bác sĩ xác định bé không bị bệnh gì về mắt hay khả năng thị giác.
Bé N. sau đó được chuyển qua Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ xác định bé bị hội chứng Tic. Theo lời kể của gia đình, do đang trong kỳ nghỉ hè, bé ở nhà hiếu động, thường nghịch phá, chiếc điện thoại, máy tính bảng được dùng để làm “bảo mẫu” giữ cho trẻ ngồi yên. Bé thường xuyên được ông bà và ba mẹ cho xem các chương trình, chơi các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng. Thậm chí, có khi bé N. ngồi chơi say sưa đến hơn 2 tiếng đồng hồ.
Với mức độ của bé N., các bác sĩ không can thiệp cho uống thuốc mà chủ yếu dặn dò gia đình không cho trẻ xem điện thoại, máy tính bảng hay ti vi nữa. Thay vào đó, cần chơi đùa với trẻ, cho trẻ chơi các trò chơi vận động, các hoạt động ngoài trời. Như thế, từ từ trẻ sẽ “quên”, hết giật mắt, nhăn mũi.
“Tic, không có thuật ngữ dịch ra tiếng Việt, là hiện tượng chuyển động của cơ lặp đi lặp lại, thường là cơ vùng mặt, cơ vai; hiếm hơn có thể tạo ra âm thanh (gừ gừ), mũi nhăn, máy mắt, giật đầu, nhăn mặt, nhún vai, cắn môi... Trẻ có khi bị giật cơ vài cái rồi hết, có khi bị liên tiếp không chịu hết, có trường hợp nặng kéo dài cả năm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ đến khám với những biểu hiện như trên và được chẩn đoán bị hội chứng Tic, thường tập trung nhiều vào dịp nghỉ hè, nghỉ tết. Thời gian này, bệnh viện điều trị 4 - 6 ca mỗi ngày. Hầu hết đều có cùng nguyên nhân: trẻ được gia đình cho chơi điện thoại, máy tính bảng, xem ti vi để... ngồi yên.
Giúp trẻ rời xa thiết bị công nghệ
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), giải thích: Khi trẻ chơi, xem điện thoại thông minh, máy tính bảng hay coi ti vi quá nhiều, mắt căng thẳng, trẻ bị tập trung vào màn hình thì các cơ cổ, các cơ xung quanh lúc nào cũng căng và trong trạng thái tập trung. Khi đó, sẽ dẫn đến trạng thái mỏi cơ. Khi cơ mỏi, không được nghỉ ngơi, sẽ rung, giật tự phát và đưa đến tình trạng Tic.
Theo các bác sĩ, để chẩn đoán trẻ bị hội chứng Tic, trước đó trẻ đã được thăm khám và loại trừ tất cả những tổn thương thực thể khác (như bệnh lý về mắt, tật khúc xạ, viêm xoang, động kinh, thiếu dinh dưỡng...).
Hội chứng Tic không gây tổn thương về mặt thể chất đối với trẻ nhưng tạo thành tật trong não, không có thuốc điều trị dứt điểm mà chủ yếu là điều chỉnh tâm lý, thói quen, cách sinh hoạt. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, may mắn là đa số trẻ chỉ bị tạm thời rồi hết dần, hiếm khi cần uống thuốc.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh lưu ý phụ huynh càng chê, la mắng trẻ giật mắt, giật miệng, lắc đầu... là xấu, sẽ thành tật, thì tình trạng trẻ bị càng nặng hơn.
“Đừng tập trung vào chuyện bị Tic mà quên chuyện Tic đi. Hãy cho trẻ chơi trò khác, để trẻ thư giãn, ngủ đủ giấc. Đặc biệt, không cho trẻ chơi máy tính bảng, điện thoại thông minh hay xem ti vi nhiều”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến hướng dẫn phụ huynh nên khéo léo giúp trẻ rời xa màn hình thiết bị công nghệ. Nếu trẻ đã thuộc dạng "nghiện", mỗi ngày chơi nhiều giờ, khóc la, tỏ ra hung bạo khi bị lấy mất điện thoại hay máy tính bảng thì phụ huynh nên giảm từ từ. Với trẻ chưa “nghiện” thì chỉ cần vài ngày là từ bỏ được chiếc điện thoại, với trẻ nghiện thiết bị công nghệ rồi thì có thể mất nhiều tuần.
Ví dụ, trước đây mỗi ngày trẻ chơi 2 giờ thì ba mẹ nên giảm dần trong một ngày chỉ cho trẻ chơi 1 giờ; tuần sau, giảm thời gian chơi nhiều hơn nữa. Trẻ không cần cai điện thoại hoàn toàn nhưng hạn chế càng nhiều càng tốt.
“Để làm được điều này, phụ huynh phải cho bé các phương án thay thế món đồ chơi công nghệ. Đó có thể là đồ chơi bình thường, đồ chơi phát triển trí tuệ, hoặc hay hơn là cho trẻ tham gia một môn thể thao, các hoạt động vui chơi ngoài trời”, bác sĩ Tiến chia sẻ. Như vậy, sau một thời gian, hội chứng Tic của trẻ sẽ giảm dần và chấm dứt.