Trẻ cần được tiêm chủng đủ phác đồ, chăm sóc đúng cách để tránh nhiễm bệnh hoặc bệnh tái lại khi thời tiết miền Bắc liên tục chuyển nóng, lạnh đột ngột.
Theo BSNT. Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng và ngược lại khiến cơ thể trẻ em khó thích nghi ngay, dễ dẫn tới nhiễm bệnh đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản... Thời tiết lạnh, ẩm, mưa nhiều khiến số lượng mầm bệnh trong môi trường tăng lên, dẫn tới khả năng mắc bệnh cao hơn. Ngoài các bệnh đường hô hấp, bệnh về da, miễn dịch cũng thường gặp.
Bên cạnh đó, khi trời chuyển lạnh, cha mẹ thường mắc nhiều sai lầm khi chăm sóc trẻ, ví dụ cho con mặc rất ấm khi đi ngoài trời, song quên dặn con cởi bớt áo khi vào phòng học, tham gia các hoạt động thể dục, âm nhạc. Trẻ vận động thể chất sẽ ra mồ hôi, khi mặc quá dày sẽ gây thấm ngược mồ hôi vào cơ thể, trở thành nhiễm lạnh. Một số gia đình đón con về muộn, cho tắm muộn gây lạnh đột ngột, dễ ốm.
BS.CKI Trần Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nhiều người dân đến tiêm chủng thường phàn nàn về việc con mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa tái lại nhiều lần. Bác sĩ đánh giá nỗi lo của các phụ huynh rất thực tế, do viêm phổi đã được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đánh giá là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ em. Tổ chức này cũng thống kê cứ 43 giây có tối thiểu một bé tử vong do viêm phổi.
Các tác nhân phổ biến gây bệnh gồm Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), cúm A, adenovirus, vi khuẩn Hib, vi khuẩn Mycoplasma... Trong đó, phế cầu khuẩn gây ra khoảng 30% ca viêm phổi, phát triển thuận lợi vào mùa đông xuân, thời tiết giao mùa, khí hậu lạnh, nhiệt độ thấp, lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi). Mặt khác, phế cầu có độc lực mạnh và khả năng đề kháng nhiều loại kháng sinh, gây khó khăn, kéo dài quá trình điều trị và tốn kém chi phí.
Các chuyên gia khuyến cáo cuối năm thời tiết lạnh hơn, mưa nhiều, tỷ lệ bệnh nhi sẽ tăng cao. Do đó, phụ huynh cần chủ động phòng ngừa các bệnh cho trẻ.
Theo bác sĩ Đạo, có 5 cách phòng bệnh cho bé khi giao mùa mà gia đình cần nhớ, gồm luôn cập nhật các mũi tiêm, chủng ngừa đầy đủ các loại vaccine hô hấp cho trẻ, dạy con cách che miệng khi ho và hắt hơi, rửa tay đúng cách, tránh xa khói thuốc lá cùng môi trường ô nhiễm.
Biện pháp tiêm chủng được bác sĩ nhấn mạnh do đây là cách xây dựng hệ miễn dịch chủ động và an toàn cho trẻ nhỏ. Hiện nhiều bệnh đã có vaccine phòng ngừa, ví dụ bệnh do phế cầu, Hib, virus cúm. Mũi ngừa phế cầu khuẩn có thể tiêm sớm từ 6 tuần tuổi với ba mũi tiêm cơ bản cách nhau tối thiểu một tháng, một mũi nhắc lại vào 11-15 tháng tuổi. Mũi ngừa cúm có thể dùng cho người từ 6 tháng tuổi, các loại vaccine phối hợp như 6 trong 1, 5 trong 1 có thể dùng khi con từ 6 tuần tuổi.
Để bảo vệ trẻ toàn diện, phụ nữ trước và đang mang thai nên chủ động chủng ngừa. Đồng thời, bố, ông bà, người chăm sóc, người tiếp xúc cũng cần chích vaccine. Lý do là chỉ cần một số ít người trong cộng đồng mang virus, vi khuẩn cũng có thể lây lan cho các bé.
Bên cạnh đó, gia đình cần chú ý các phương pháp chăm sóc đúng cho trẻ như chỉ tắm vào thời điểm ấm nhất trong ngày, không tắm lâu, không mặc quá nóng. Môi trường, phòng ngủ cần sạch sẽ, thoáng khí, tránh đóng kín cửa để không khí trong nhà lưu cữu, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Phòng ngủ cũng cần tránh khói hương, khói bếp, các loại lông động vật gây dị ứng. Rèm cửa, giá sách, bàn học cần lau sạch, tránh bụi.
Để tăng đề kháng cho con, gia đình còn cần tăng vận động cho con, giúp con tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên để hoàn thiện hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, gia đình thiết kế bữa ăn cân bằng, đủ dinh dưỡng để trẻ phát triển sức khỏe tổng thể tốt nhất.