Hầu hết tất cả mọi người đều đã từng bị muỗi, côn trùng đốt. Thông thường, vết muỗi, côn trùng đốt sẽ khiến bạn ngứa ngáy, khó chịu nhưng sẽ hết dần theo thời gian và không nguy hiểm. Nhưng một số vết muỗi đốt có thể lây truyền virus và gây ra các bệnh nghiêm trọng.
1. Nguy cơ nhiễm trùng từ vết muỗi, côn trùng đốt
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm có hơn 1,5 triệu người trên thế giới chết và hàng trăm triệu người mắc bệnh do muỗi đốt.
Mỗi loại bệnh do một loại muỗi khác nhau truyền, nhưng đều giống nhau ở cơ chế: Muỗi sẽ hút máu người ốm và mang theo mầm bệnh, sau đó chúng đốt người lành và truyền mầm bệnh sang cho họ. Sau đó mầm bệnh phát triển trong cơ thể người này và gây bệnh.
Bệnh do muỗi truyền có thể gây thành dịch trong cộng đồng. Người mắc bệnh do muỗi truyền nhiễm có thể tử vong, để lại di chứng hoặc bị giảm khả năng lao động.
Khi đốt, muỗi sẽ tiết ra một chất gây ra phản ứng dị ứng, làm cho vùng da chỗ muỗi cắn bị đỏ, ngứa và sưng. Chỉ có muỗi cái mới đốt người và động vật. Nhiệt độ, ánh sáng, mùi cơ thể và mồ hôi là một số yếu tố khiến cho bạn trở thành mục tiêu của muỗi.
Một số người có thể bị muỗi đốt thành đám lớn giống như tổ ong hoặc nổi mụn nước lớn. Nếu vết muỗi đốt khiến bạn khó chịu, các biện pháp khắc phục tại nhà không có hiệu quả, hãy đi khám để được bác sĩ tư vấn, điều trị giảm ngứa và sưng.
Một số bệnh do muỗi đốt truyền nhiễm:
- Viêm não LaCrosse thường xảy ra ở các quốc gia Trung Tây, Trung Đại Tây Dương và Đông Nam Bộ;
- Viêm não St. Louis xảy ra ở khắp nước Mỹ, trong đó đặc biệt là các tiểu bang Florida và Vịnh Mexico;
- Viêm não Đông Equine, căn bệnh này thường xảy ra ở Đại Tây Dương, vùng Caribê; Bờ biển vùng vịnh và Great Lakes; Trung tâm và Nam Mỹ;
- Viêm não Nhật Bản thường xảy ra ở châu Á và Tây Thái Bình Dương;
- Bệnh do virus Zika: Căn bệnh này được ghi nhận lần đầu tiên ở châu Phi vào những năm 1940, sau đó nó đã lan sang Nam và Trung Mỹ, Caribbean, Mexico, Đông Nam Á và Quần đảo Thái Bình Dương;
- Bệnh do virus Chikungunya: Căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở vùng Caribbean và Nam Mỹ, chikungunya đã lan rộng ở Hoa Kỳ;
- Bệnh sốt xuất huyết: Đây là một căn bệnh khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt là vào mùa mưa, có những thời điểm bệnh sốt xuất huyết là trở thành dịch lưu hành tại nhiều địa phương;
- Bệnh sốt vàng;
- Bệnh sốt rét: Đây có thể coi là căn bệnh truyền qua muỗi lâu đời nhất chúng ta từng biết. Mặc dù đã biết tới từ lâu, nhưng căn bệnh này vẫn gây ra hơn 400.000 ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm. Các nước nằm gần xích đạo ở châu Phi và các đảo nhiệt đới ở Thái Bình Dương, như là Papua New Guinea, có nhiều người mắc bệnh sốt rét nhất.
Với những người không may mắc phải hội chứng Skeeter thì vết muỗi đốt thông thường cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Hội chứng skeeter được định nghĩa lần đầu tiên vào năm 1999, đây là “phản ứng viêm cục bộ do muỗi gây ra kèm theo sốt”.
Theo các chuyên gia thì hội chứng skeeter là một phản ứng dị ứng với các protein trong nước bọt muỗi. Hầu hết mọi người đều có một số loại phản ứng như một vết sưng nhỏ và hơi đỏ khi bị muỗi đốt, nhưng đối với một số người thì phản ứng đó thực sự cực đoan. Những người mắc phải hội chứng này có xu hướng phát triển nặng lên trong vòng vài giờ, thậm chí chỉ trong vài phút tại những vết cắn.
Hội chứng skeeter được đặc trưng bởi các triệu chứng viêm như sưng, nóng, mẩn đỏ, kèm theo cảm giác ngứa hoặc đau từ một vết muỗi cắn. Trong một số trường hợp có các phản ứng này rất nghiêm trọng như là: Khuôn mặt và mắt có thể sưng phồng lên và toàn bộ chân tay có thể bị sưng đỏ. Trường hợp nghiêm trọng nhất, muỗi đốt có thể gây bầm tím và phồng rộp. Một số người mắc phải hội chứng này cũng có thể bị sốt hoặc nôn mửa hoặc khó thở.
Những người mắc hội chứng skeeter có xu hướng bị muỗi đốt nhiều hơn những người khác. Những người này có nguy cơ phát triển nhiễm trùng từ vết muỗi, côn trùng cắn cao hơn vì họ có nhiều khả năng trầy xước vết cắn và có vết thương lớn hơn.
Vì vậy, nếu như bạn bị sốt sau khi bị muỗi đốt hoặc nếu vết muỗi cắn có vẻ trở nên to hơn hoặc bị viêm nặng hơn và không đỡ hơn sau vài ngày, bạn hãy đi khám bác sĩ để loại trừ nhiễm trùng.
2. Cần sử dụng thuốc bôi vết muỗi đốt không?
Thông thường, sau khi bị muỗi đốt, da sẽ bị ửng đỏ kích thước khoảng 1-3 mm rồi đổi thành màu thâm, phai dần và trở lại da bình thường sau một vài ngày mà không cần sử dụng loại thuốc nào.
Bạn có thể thấy vết muỗi đốt ở trẻ sơ sinh để lại vết thâm da kéo dài sau tuy nhiên bạn không cần lo lắng vì các vết thâm này sẽ mất dần khi trẻ lớn lên. Về nguyên tắc, bạn không nên bôi bất cứ một thuốc gì thường xuyên cho trẻ sơ sinh dù được quảng cáo là tốt.
Hãy để làn da trẻ phát triển một tự nhiên, không bị hóa chất tác dụng lên. Ngoài ra, khi bạn bôi thuốc lên vết muỗi đốt trẻ sơ sinh có thể xảy ra các nguy hiểm không lường trước được như gây kích ứng, dị ứng hoặc tổn thương da. Trẻ sơ sinh có thể quơ quẹt thuốc vào mắt, mũi, miệng gây tổn thương mắt, mũi hoặc ngộ độc do vô ý nuốt các chất bôi lên da.
Trường hợp bạn biết mình mắc phải hội chứng skeeter, hãy mang theo bình xịt hoặc mặc quần áo che phủ làn da khi đến khu vực có nhiều muỗi. Bạn có thể sử dụng thuốc kháng histamin đường uống như thuốc Benadryl để làm giảm ngứa và sưng. Một loại kem hydrocortisone không kê đơn có thể giúp bạn giảm đau khi bôi trực tiếp lên vết muỗi, côn trùng cắn.
Nếu vết cắn sưng tấy, nóng đỏ bạn có thể chườm lạnh giúp giảm đau nhức. Sau khi đã sử dụng các biện pháp trên mà không giảm ngứa và sưng tấy, bạn nên đi khám để nhận được sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.