Sốt virus là bệnh lý thường xuất hiện vào thời điểm chuyển giao giữa hai mùa, đặc biệt khi thời tiết chuyển từ mùa lạnh sang nóng. Sốt virus có thể tự khỏi sau 7-10 ngày và thường không để lại di chứng nặng nề. Tuy nhiên với trẻ em, khả năng bị sốt nhiều lần, liên tục là rất cao. Vậy tái sốt virus ở trẻ em có gì đáng ngại hay không? Cha mẹ phải xử trí và điều trị cho trẻ như thế nào cho kịp thời?
Sốt là tình trạng thân nhiệt lớn hơn 38 độ C khi đo tại hậu môn, về cơ bản sốt là phản ứng có lợi cho cơ thể, tuy nhiên nếu nhiệt độ cơ thể tăng cao trong thời gian dài sẽ gây nên tình trạng mệt mỏi cùng với đó là một loạt phản ứng bất lợi cho cơ thể. Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ em như: tình trạng nhiễm khuẩn, bị côn trùng đốt, bệnh lý ác tính....nhưng sốt virus hay còn được gọi là sốt siêu vi (Sốt do virus gây nên) là thường gặp hơn cả.
2. Sốt virus có lây không?
Hiện nay, theo nghiên cứu có đến hơn 200 loại virus gây bệnh cho trẻ, có thể kể đến một số virus điển hình như: Virus hợp bào hô hấp, Adeno virus, Rota virus...Đặc điểm của virus là rất dễ lây bệnh trong gia đình và cộng đồng, chúng thường thông qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp để gây bệnh. Chính vì vậy khi gia đình có người bị virus thì không nên tiếp xúc với trẻ và khi trẻ bị sốt virus thì nên cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà nhằm hạn chế lây lan trong trường học.
3. Sốt virus ở trẻ em bị rồi có bị lại nữa không?
Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng sốt virus không có gì đáng ngại nếu được chẩn đoán và xử trí đúng cách, các bậc cha mẹ nên chăm sóc và để ý kĩ bé trong thời gian sốt. Tuy nhiên, sốt virus hoàn toàn có thể bị lại, thậm chí ngay khi mới chỉ cắt sốt một vài tuần. Nguyên nhân cũng rất dễ hiểu là do có đến hàng trăm chủng loại virus có thể gây sốt và hệ thống miễn dịch của cơ thể là không đủ để phòng chống hết các chủng virus này. Ngoài ra do sống trong môi trường không được cách ly tốt cũng là điều kiện bùng phát lại cơn sốt virus.
4. Sốt virus ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?
Không giống như người lớn, cơ thể trẻ em chưa phát triển toàn diện về tinh thần cũng như thể chất, cơ thể trẻ chưa đủ khả năng miễn dịch để chống chọi với các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài, chính vì vậy cơ thể trẻ rất dễ nhiễm bệnh khi bị các tác nhân từ môi trường tấn công. Sốt là một trong những phản ứng của cơ thể trẻ để chống lại tác nhân gây bệnh, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, rất có thể cơ thể trẻ sẽ rơi vào trạng thái sau.
- Khi sốt kéo dài, cơ thể trẻ sẽ vô cùng mệt mỏi, chán ăn, bỏ bú...dẫn đến không đủ dinh dưỡng để chống lại bệnh tật cũng như phát triển thể chất. Nếu không chấm dứt được vòng xoắn bệnh lý này trẻ sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái suy kiệt thậm chí có thể hôn mê...
- Do ở trẻ, hệ thống tâm thần kinh chưa phát triển đầy đủ, cấu trúc não bộ chưa hoàn thiện, khi trẻ bị sốt cao trên 41 độ, trẻ rất dễ xuất hiện cơn co giật, điều này vô cùng nguy hiểm cho quá trình phát triển toàn diện của trẻ sau này.
- Nếu sốt virus kéo dài và không được điều trị, cơ thể trẻ sẽ suy yếu dần tạo điều kiện cho quá trình bội nhiễm phát triển, đặc biệt gây nên bội nhiễm phổi hay còn gọi là viêm phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ.
5. Dự phòng và xử trí sốt virus ở trẻ sao cho đúng?
Sốt virus là bệnh phổ biến trong cộng đồng và đặc biệt ở trẻ nhỏ, để dự tối đa những cơn sốt này, các bác sĩ nhi khoa đưa ra những lời khuyên sau.
- Nâng cao sức đề kháng giúp cơ thể có khả năng phòng tránh bệnh tật thông qua việc cung cấp dinh dưỡng một cách đầy đủ và hợp lý, đặc biệt nên bổ sung cho trẻ các vitamin từ rau quả...
- Với các bé lớn, cần khuyến khích các bé tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, không quá sức. Điều này không những giúp cho cơ thể trẻ được phát triển một cách toàn diện, giúp cơ thể trẻ có được một sức đề kháng tuyệt vời với bệnh tật
- Với trẻ nhỏ, điều quan trọng là luôn giữ cho bé được ấm và cách ly bé khỏi các nguồn bệnh trong gia đình cũng như cộng đồng.
- Tiêm phòng đầy đủ không những giúp bé tăng cường khả năng chống chọi với bệnh tật mà còn giúp nâng cao đề kháng trong cộng đồng.
Khi trẻ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như: chán ăn, bỏ bú, run lạnh, buồn ói...và đặc biệt thân nhiệt tăng cao trên 38 độ, lúc này các mẹ cần theo dõi sát sao và cho cho bé
- Dùng thuốc hạ sốt Paracetamol theo sự chỉ dẫn của bác sĩ (10-15mg/kg/lần, không quá 4 lần/ ngày)
- Giữ ấm cho bé, cho bé nằm trong phòng rộng rãi thoáng mát
- Cho bé uống đủ nước, đặc biệt nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin C rất tốt cho hệ thống miễn dịch của trẻ.
- Cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho bé, cho bé ăn thức ăn mềm, dễ nuốt và giàu chất dinh dưỡng, không ép trẻ ăn nếu trẻ quấy khóc
Nếu đã chăm sóc trẻ tích cực trẻ tại nhà mà cơn sốt của trẻ tăng cao và kéo dài hoặc đáp ứng chậm với thuốc hạ sốt cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để các bác sĩ xử trí kịp thời và dự phòng các biến chứng như hôn mê, co giật do sốt cao, kéo dài gây nên ở trẻ nhỏ.
Sốt Virus ở trẻ em là bệnh không quá nguy hiểm tuy nhiên nếu không được xử trí và điều trị kịp thời và hợp lý sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển sau này của trẻ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.