Hầu như trẻ nào cũng từng bị tiêu chảy một vài lần trong thời thơ ấu
Tiêu chảy là gì?
Từ 1 – 3 tháng tuổi, trẻ đi tiêu ít nhất 2 lần/ngày. Một số trẻ chỉ đi tiêu 1 lần/tuần.
Khi được 2 tuổi, trẻ đi tiêu ít nhất 1 lần/ngày. Phân trẻ thường mềm, đóng khuôn. Tuy nhiên, mỗi trẻ sẽ có số lần đi tiêu khác nhau, có trẻ đi tiêu mỗi 2 ngày 1 lần.
Trẻ được xem là bị tiêu chảy khi trong phân có nhiều nước hơn bình thường, hoặc đi tiêu trên 3 lần/ngày.
Tiêu chảy là cách cơ thể tự loại bỏ vi trùng, và hầu hết các đợt tiêu chảy ở trẻ em sẽ kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Tiêu chảy có thể xảy ra kèm theo sốt, buồn nôn và nôn, chuột rút và thậm chí phát ban. (1)
Tiêu chảy có 2 dạng:
- Tiêu chảy cấp ở trẻ: Trẻ đi ngoài phân lỏng kéo dài dưới 14 ngày. Nguyên nhân thường do thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn hoặc do siêu vi.
- Tiêu chảy mãn tính ở trẻ: Tiêu chảy kéo dài trong vài tuần. Tình trạng này xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là do trẻ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng hội chứng ruột kích thích, hoặc không dung nạp hay dị ứng với thức ăn.
Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy
Một số lý do phổ biến nhất khiến trẻ bị tiêu chảy bao gồm:
1. Nhiễm trùng đường ruột
Có nhiều loại vi trùng được xem là tác nhân khiến đường ruột của trẻ bị nhiễm trùng. Chúng là:
- Virus: Viêm dạ dày ruột do virus (thường được gọi là “cúm dạ dày”) là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Nó gây ra hiện tượng tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng thường kéo dài vài ngày, và bệnh nhi (đặc biệt là trẻ sơ sinh) dễ bị mất nước do không bổ sung đủ chất lỏng cho cơ thể.
- Rotavirus (thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) cũng có thể gây tiêu chảy. Các đợt bùng phát bệnh phổ biến hơn vào mùa đông và đầu xuân. Đáng mừng là vaccine rotavirus có khả năng bảo vệ trẻ khỏi loại virus này.
- Một loại virus đường ruột khác cũng chực chờ tấn công hệ tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, đó là Enterovirus. Loài này sinh sôi quanh năm nhưng phát triển mạnh nhất trong những tháng mùa hè.
- Vi khuẩn: Nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ em, chẳng hạn như E. coli, Salmonella, Campylobacter, Shigella… Chúng thường xâm nhập hệ tiêu hóa sau khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, khiến trẻ đi ngoài phân lỏng và nôn mửa trong vòng vài giờ sau khi bị nhiễm.
- Ký sinh trùng: Các loại ký sinh trùng được xem là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em bao gồm giardiasis và cryptosporidiosis.
2. Bên cạnh ba tác nhân kể trên, đôi khi trẻ em bị tiêu chảy là do:
- Có chế độ ăn nhiều đường (ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều nước trái cây đóng hộp…)
- Dị ứng thực phẩm
- Không dung nạp lactose, fructose hoặc sucrose
- Đang bị các vấn đề về ruột như bệnh celiac, viêm ruột, viêm dạ dày, viêm loét đại tràng…
Dấu hiệu tiêu chảy ở trẻ em
Biểu hiện thường thấy đầu tiên ở những trẻ bị tiêu chảy là những cơn đau bụng quặn thắt, sau đó là đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều ngày (trung bình từ 3 – 5 ngày). Ngoài ra, trẻ còn gặp phải một số triệu chứng khác như: (2)
- Sốt;
- Mất cảm giác ngon miệng;
- Buồn nôn (cảm giác khó chịu trước khi nôn);
- Nôn nhiều lần;
- Sụt cân;
- Mất nước.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Trẻ bị tiêu chảy nhẹ không cần đến bác sĩ, bệnh sẽ tự hết trong vòng vài ngày. Cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay nếu thấy các dấu hiệu sau: (3)
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi;
- Đi ngoài phân lẫn máu;
- Đau bụng dữ dội;
- Chướng bụng;
- Đi ngoài phân lỏng nhiều lần (> 2 lần/giờ);
- Trẻ không có cảm giác thèm ăn, thậm chí không muốn ăn bất cứ món gì;
- Trẻ nôn mọi thứ sau ăn;
- Trẻ lừ đừ, không chơi đùa;
- Trẻ quấy khóc liên tục;
- Trẻ có dấu hiệu mất nước;
- Sốt cao liên tục khó hạ;
- Các dấu hiệu bệnh nặng khác: thở mệt, vã mồ hôi, mê man…
- Trẻ có cơ địa đặc biệt: béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh mạn tính (tim mạch, suy giảm miễn dịch…).
Phương pháp chẩn đoán
Rất dễ để phát hiện trẻ bị tiêu chảy dựa trên triệu chứng. Tuy nhiên, cần tìm ra tác nhân gây ra tình trạng này thì mới có hướng điều trị đúng cách. Để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em, bác sĩ sẽ:
- Tìm hiểu về các món ăn/thức uống mà trẻ đã ăn gần đây
- Hỏi rõ về các triệu chứng mà trẻ gặp phải (tiêu chảy có kèm sốt, nôn, mất nước, bỏ bữa… không?)
- Hỏi về tần suất đi ngoài phân lỏng của trẻ cũng như đặc điểm phân (có loãng nhiều không, có lợn cợn hay lẫn máu không…?)
- Lấy mẫu phân mang đi xét nghiệm để tìm ra loại vi trùng gây bệnh
Tiêu chảy ở trẻ em thường gây ra biến chứng gì?
Mất nước là một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Tiêu chảy nhẹ thường không gây mất nước đáng kể, nhưng tiêu chảy vừa hoặc nặng sẽ khiến trẻ mất nước nghiêm trọng. Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể gây ra co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong. Những biểu hiện cho thấy trẻ bị mất nước nghiêm trọng là:
- Chóng mặt và choáng váng;
- Miệng khô;
- Không đi tiểu trong vòng 4 – 6 giờ ở trẻ nhỏ hoặc 6 – 8 giờ ở trẻ lớn;
- Nước tiểu vàng sẫm;
- Mắt sâu hơn bình thường;
- Ít hoặc không có nước mắt khi khóc;
- Da khô mát.
Ngoài hiện tượng mất nước, trẻ bị tiêu chảy kéo dài còn dẫn tới biến chứng chán ăn, bỏ ăn, dần dần suy dinh dưỡng và kiệt sức.
Cách xử trí khi trẻ bị tiêu chảy
Cách điều trị tiêu chảy ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này. Cụ thể:
1. Tiêu chảy do nhiễm trùng đường tiêu hóa
Tiêu chảy do virus sẽ tự khỏi. Trong khi đó, hầu hết trẻ em bị tiêu chảy do vi khuẩn cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tiêu chảy do ký sinh trùng phải được điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng.
2. Tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa
Trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa do ăn phải thức ăn lạ khiến cơ thể từ chối dung nạp, hoặc khi trẻ chuyển từ giai đoạn bú mẹ sang ăn dặm/từ chế độ ăn lỏng sang ăn đặc, hoặc trẻ bắt đầu đi mẫu giáo và chưa kịp thích nghi với chế độ ăn mới. Lúc này, phương pháp điều trị thích hợp là tập cho trẻ làm quen với thức ăn mới một cách từ từ, vừa tập vừa lắng nghe phản ứng cơ thể trẻ. Nếu thấy trẻ tiêu chảy/nôn ói sau khi ăn món nào, cần ngưng cho trẻ ăn và thử lại một thời gian sau đó.
3. Tiêu chảy do dị ứng thực phẩm
Nếu trẻ bị dị ứng thực phẩm, cần tránh cho trẻ ăn những thực phẩm gây dị ứng. Để xác định trẻ dị ứng với loại thực phẩm nào, bạn hãy ghi nhật ký về những gì bé ăn/uống cũng như thói quen đi tiêu của trẻ.
Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng ở trẻ là trứng, hải sản, sữa bò, đậu phộng, đậu nành…
4. Tiêu chảy do bệnh celiac
Nếu trẻ bị bệnh celiac, bác sĩ sẽ khuyên bạn tránh cho trẻ ăn tất cả các loại thực phẩm và sản phẩm có chứa gluten (như lúa mì, lúa mạch, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt…).
5. Tiêu chảy do không dung nạp lactose
Trong trường hợp trẻ không dung nạp được lactose, bác sĩ sẽ khuyến nghị giảm hoặc tránh các loại thực phẩm/đồ uống làm từ sữa (như sữa tươi, sữa chua, phô mai, bánh ngọt, kem…). Bạn có thể cho trẻ uống các loại sữa hạt thay thế (sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa hạt điều…) để ngăn ngừa nguy cơ thiếu canxi ở trẻ.
6. Tiêu chảy do không dung nạp fructose hoặc sucrose
Nếu con bạn không dung nạp đường fructose hoặc sucrose, bác sĩ sẽ khuyến nghị giảm hoặc tránh các loại thực phẩm/đồ uống có chứa các loại đường này.
7. Tiêu chảy do bệnh viêm ruột
Với những trẻ bị bệnh viêm ruột như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, phương pháp điều trị sẽ là kê toa thuốc, phẫu thuật và điều chỉnh chế độ ăn của trẻ.
Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy
Khi thấy trẻ xuất hiệu các triệu chứng tiêu chảy, bạn cần chăm sóc trẻ bị tiêu chảy an toàn:
- Cho trẻ uống nhiều nước: nước lọc, nước ép nguyên chất, cháo, súp, nước dừa…
- Cho trẻ ăn ít nhất 6 bữa/ngày. Nếu trẻ ói, ngưng 10 phút, sau đó ăn/uống chậm lại.
- Không tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ.
- Cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế để chẩn đoán nguyên nhân gây tiêu chảy và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Theo dõi các dấu hiệu nghiêm trọng để đưa trẻ đi khám ngay.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy
Nếu trẻ bị tiêu chảy, bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, thiết kế cho trẻ một chế độ ăn hợp lý là rất quan trọng. Điều này góp phần quyết định các triệu chứng bệnh của bé có sớm cải thiện hay không.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tháng, sữa mẹ là một lựa chọn tuyệt vời để bổ sung đủ nước và dưỡng chất cho bé. Các chuyên gia khẳng định, so với dung dịch điện giải (một loại chất lỏng thường được kê toa để bổ sung nước cho trẻ bị tiêu chảy), sữa mẹ dễ hấp thu và có nhiều chất dinh dưỡng hơn nhiều.
Với những trẻ lớn hơn, bác sĩ có thể đề xuất một chế độ ăn không có sữa và ít đường trong một thời gian ngắn. Nếu tình trạng tiêu chảy không cải thiện, bạn cần ghi lại nhật ký ăn uống của trẻ để xác định loại thực phẩm nào là nguyên nhân khiến cơ thể trẻ phản ứng lại. Ví dụ, một số bé bị hội chứng ruột kích thích không hấp thu được thức ăn nhiều chất béo, nhiều đường hoặc cay. Những bé khác lại bị tiêu chảy khi dung nạp thực phẩm chứa gluten hoặc sữa…
Bên cạnh đó, chất xơ thường được đưa vào thực đơn của trẻ tiêu chảy để điều chỉnh nhu động ruột. Lý do là một số loại thực phẩm giàu chất xơ có khả năng làm giảm số lần trẻ đi ngoài phân lỏng. Chúng là táo, chuối, lúa mạch, yến mạch, các loại đậu, khoai lang…
Cuối cùng, cần bổ sung thực phẩm giàu chất béo trong thực đơn của trẻ. Việc này giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy, nhất là ở những trẻ bị tiêu chảy nhẹ mãn tính. Nguồn chất béo tốt bao gồm sữa béo nguyên chất, phô mai, dầu ô liu, dầu hướng dương…
Lưu ý khi xây dựng khẩu phần ăn cho trẻ đang bị tiêu chảy, đó là chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Việc cho trẻ ăn 3 bữa lớn/ngày có thể khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
Phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ em
Gần như không thể phòng tránh tuyệt đối tình trạng tiêu chảy ở trẻ em. Song có một số biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:
- Cho trẻ bú sữa mẹ: Sữa mẹ có nhiều chất mà sữa công thức không có, giúp bảo vệ bé khỏi nhiều bệnh lý và tình trạng nhiễm trùng. Chuyên gia khuyến nghị mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì ít nhất đến năm trẻ 1 tuổi.
- Ngăn vi trùng lây lan bằng cách thường xuyên rửa tay trẻ bằng xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn trớ.
- Giữ các bề mặt trong phòng tắm, phòng khách (như bồn rửa mặt, tay nắm cửa, bàn ghế, giường tủ…) sạch sẽ.
- Rửa sạch trái cây và rau củ trước khi cho trẻ ăn.
- Luôn đảm bảo trẻ uống nước lọc đã đun sôi/nước tinh khiết. Hạn chế nước trái cây và thức uống có đường trong thực đơn của trẻ.
- Có phương pháp bảo quản/rã đông thực phẩm đúng cách, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
- Không cho trẻ uống sữa tươi chưa tiệt trùng hoặc thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng (mốc, ôi thiu, lên men…).
- Tránh cho trẻ dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, nếu không thật sự cần thiết.
- Cho trẻ tiêm vắc xin ngừa virus rota.