Trẻ nhỏ rất dễ bị mắc các bệnh về đường ruột do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, dễ bị vi khuẩn, virus tấn công. Nhẹ thì có thể là nôn trớ, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Nặng hơn là các bệnh tả, tắc ruột, viêm ruột thừa....
1.1. Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là một trong các bệnh viêm đường ruột thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do vi khuẩn, virus tấn công đường ruột khiến trẻ bị tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài.
Trẻ được coi là bị tiêu chảy khi:
- Đi phân lỏng trên 3 lần/ngày
- Đau bụng
- Buồn nôn hoặc nôn
- Đầy hơi, chướng bụng
- Có biểu hiện mất nước
Tiêu chảy tuy là bệnh thông thường nhưng nếu trẻ bị mất nước do tiêu chảy mà không được bù nước và chất điện giải kịp thời thì có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.
Chế độ dinh dưỡng khi bị tiêu chảy của trẻ cũng rất quan trọng. Cần cho trẻ uống nhiều nước, nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì nên tăng lượng bú và cữ bú. Nên cho trẻ ăn uống từ chút một, chia thành nhiều lần trong ngày. Không nên sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy. Nếu trẻ có các biểu nặng, triệu chứng bất thường thì nên đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay.
1.2. Bệnh kiết lỵ
Kiết lỵ là bệnh do ký sinh trùng amip và trực khuẩn shigella gây nên. Trẻ bị bệnh kiết lỵ có biểu hiện:
- Đi tiêu ra phân có kèm chất nhầy và máu
- Sốt cao
- Đau bụng
- Luôn có cảm giác muốn đi cầu
Nếu tình trạng bệnh nặng và kéo dài, trẻ có thể bị kiệt sức, vật vã, lả đi, hôn mê rồi tử vong. Bệnh kiết lỵ thường kéo dài. Nếu ký sinh trùng amip xâm nhập vào gan có thể gây áp xe gan. Nếu trẻ bị kiết lỵ do trực khuẩn shigella mà bị biến chứng có thể tử vong ngay trong 24 giờ.
1.3. Bệnh tắc ruột
Tắc ruột là tình trạng không thể đi vệ sinh được. Trẻ sơ sinh bị tắc ruột thường là do xoắn ruột, phình đại tràng bẩm sinh, lồng ruột hoặc mắc chứng thoát vị bẹn khiến ruột bị nghẹt. Biểu hiện của trẻ bị tắc ruột là nôn ói liên tục, có khi nôn ra nước mật.Khi trẻ bị tắc ruột, cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
1.4. Bệnh tả
Tả là một trong những bệnh đường ruột ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm, dễ dàng lây lan thành ổ dịch lớn và có khả năng gây tử vong nhanh chóng.
Biểu hiện của bệnh tả bao gồm:
- Tiêu chảy, đi cầu ra nước màu trắng đục ồ ạt, không cầm được
- Đau bụng
- Nôn ói liên tục
Việc đi cầu ra nước và nôn ói liên tục khiến bệnh nhân nhanh chóng bị mất nước, kiệt sức và tử vong nhanh.
Nguyên nhân gây bệnh tả là do vi khuẩn tả. Vi khuẩn này thường ẩn chứa ở những nơi dơ bẩn, các loại thức ăn kém vệ sinh, bị ôi thiu, thức ăn chưa được nấu chín, thức ăn bị ruồi nhặng đậu vào. Khi trẻ nhỏ ăn phải các thức ăn chứa vi khuẩn tả sẽ bị nhiễm bệnh.
Để phòng tránh bệnh tả cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh khi chế biến thức ăn cho trẻ. Cho trẻ ăn chín, uống sôi. Không ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc. Tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
1.5. Bệnh thương hàn
Biểu hiện của bệnh thương hàn gồm:
- Đầy bụng, chậm tiêu
- Đau bụng
- Có thể tiêu chảy hoặc táo bón
Nguyên nhân gây bệnh thương hàn là do vi khuẩn salmonella mang nhiều độc tố dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết ruột, thủng ruột, trẻ có thể bị viêm não rồi tử vong.
1.6. Táo bón
Trẻ nhỏ rất dễ bị táo bón. Biểu hiện của táo bón bao gồm:
- Đi cầu ít hơn bình thường
- Đi cầu ra phân rắn
- Đau bụng quằn quại mỗi lần đi cầu
- Buồn đi cầu nhưng rặn không ra phân
Nguyên nhân gây táo bón chủ yếu là do chế độ ăn uống không hợp lý: thiếu chất xơ và uống ít nước. Ngoài ra, bệnh có thể hình thành do thói quen nhịn đi cầu hoặc mắc các bệnh đại tràng, rối loạn chức năng co bóp đại tràng hoặc các bệnh tổn thương cột sống.
Khi trẻ bị táo bón nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ như: rau củ quả...
1.7. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản cũng là một trong những bệnh đường ruột phổ biến ở trẻ nhỏ. Triệu chứng chủ yếu của bệnh là ợ nóng. Thậm chí có nhiều trường hợp trẻ không có biểu hiện gì nhưng khi đi khám lại vô tình phát hiện ra bệnh.
Trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến viêm loét thực quản, hẹp thực quản, biến đổi niêm mạc thực quản... dẫn đến ung thư thực quản.
1.8. Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ khiến trẻ ăn không tiêu, ăn không ngon miệng dẫn đến biếng ăn hoặc táo bón. Rối loạn tiêu hóa rất dễ gặp phải ở trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém, do trẻ dùng kháng sinh hoặc chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến sức ăn của trẻ, tác động không tốt cho quá trình phát triển, ổn định của trẻ, khiến trẻ thiếu cân, còi xương, suy dinh dưỡng.
2. Nguyên nhân gây bệnh đường ruột ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh đường ruột ở trẻ nhỏ như:
- Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện
- Sức đề kháng của hệ tiêu hóa còn non nớt, dễ bị vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... tấn công
- Trẻ bị viêm đường ruột do dùng kháng sinh. Kháng sinh không chỉ tiêu diệt các vi khuẩn có hại mà còn diệt cả các vi khuẩn có lợi dẫn đến mất cân bằng sinh thái đường ruột
- Vệ sinh kém, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rửa sạch tay cho trẻ. Trẻ bị nhiễm bẩn từ đồ chơi, quần áo...
- Trẻ bị các bệnh đường ruột do biến chứng từ các bệnh khác như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp...
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
- Hệ thống men tiêu hóa chưa hoàn thiện
- Cho trẻ ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn chứa chất bảo quản, đồ ăn chưa được nấu chín, đồ uống có ga...
3. Cách phòng tránh các bệnh đường ruột ở trẻ em
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ
- Cho trẻ ăn đủ chất, ăn thức ăn phù hợp với lứa tuổi
- Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn bên ngoài không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh
- Rửa tay sạch sẽ cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Cho trẻ ăn uống điều độ, đúng giờ
- Cho trẻ uống đủ nước. Nước rất cần thiết để làm loãng thức ăn và giúp thức ăn dễ dàng di chuyển trong đường ruột
- Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh
- Cho trẻ ăn nhiều chất xơ, các thực phẩm giàu men vi sinh và không có tính axit như rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, cà rốt, súp lơ, bắp cải, rau xanh...
- Cho trẻ em nhiều thực phẩm chứa kẽm giúp tái tạo tế bào miễn dịch: sò, củ cải, đậu Hà Lan, lạc, khoai lang...
- Hạn chế cho trẻ ăn đồ chiên rán gây khó tiêu, đầy bụng
- Hạn chế các loại đồ ăn cay, đồ ăn chua
- Dạy trẻ nhai thật kỹ thức ăn giúp thức ăn hòa trộn với các enzyme trong nước bọt, dễ dàng tiêu hóa hơn
- Không cho trẻ ăn quá no, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày
- Cho trẻ tập thể dục và vận động hàng ngày. Tuy nhiên không vận động mạnh ngay sau bữa ăn
- Tránh căng thẳng, ức chế, nhất là trong bữa ăn
- Bổ sung các vi khuẩn có lợi cho đường ruột