“Có nghề nào hạnh phúc đến thế chăng?
Nghề mình đó với bảng đen phấn trắng,
Gieo yêu thương vào tâm hồn trong trắng,
Mang đến cho đời nhiều hoa trái ngát hương.
Có nghề nào nhắc đến bỗng thấy thương?”
Hai từ “Nghề giáo”,thiêng liêng ấy lúc nào cũng ngân vang lên trong suy nghĩ mỗi người. Mà trong.cuộc sống ngày càng phát triển, công việc ngày càng nhiều và khó khăn hơn đòi hỏi mọi người phải luôn nổ lực học tập, không ngừng phấn đấu để có thể đảm nhiệm và hoàn thành được nhiệm vụ của mình và gánh nặng thường bao giờ cũng nghiêng nhiều hơn cho nữ giới bởi họ ngoài trách nhiệm với cơ quan đơn vị còn phải đảm nhiệm chức năng của ngươì phụ nữ, người vợ, người mẹ ở nhà. Tuy nhiên hiện vẫn luôn có nhiều phụ nữ không chỉ đảm việc nhà mà còn thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp. Điều này đã nói lên sự nổ lực của bản thân họ cũng như khẳng định sự đóng góp của mình đối với nghề, đối với xã hội và đất nước. Trong số họ có cô giáo Lê Thị Thanh Nhàn - một trong những giáo viên giàu nhiệt huyết, luôn đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường.
Không quản ngại đêm ngày mưa nắng
Dẫu nhọc nhằn cũng chẳng kể công
Mải mê lặng lẽ "ươm trồng"
Chèo, đưa trò nhỏ qua sông giúp đời.
Lòng nặng trĩu đầy vơi trăn trở
Biết chẳng giàu nhưng lỡ yêu nghề
Để rồi thoả nguyện đam mê
Cho dù nghèo khó không hề tiếng than
Xin được tặng cả ngàn câu chúc
Đến Thày Cô nơi bục giảng đường
Những lời đẹp đẽ yêu thương
Hãy vì trò nhỏ...mái trường thân yêu.
Đúng như lời bài thơ “NGHỀ ƯƠM TRỒNG" cô giáo Lê Thị Thanh Nhàn - Giáo viên trường mầm non Khương Đình đã có nhiều năm công tác trong nghề. Cô là một giáo viên luôn yêu nghề, mến trẻ, hoạt bát, năng động, nhiệt tình, có năng lực chuyên môn tốt, hết lòng tận tụy với công việc, sống giản dị, hòa đồng với mọi người nên được đồng nghiệp kính trọng, các cháu yêu mến và phụ huynh tin tưởng.
Trong những năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ cô giáo Nhàn luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có về đạo đức nghề nghiệp của một giáo viên mầm non. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên mầm non phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, sự nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ... Bởi vì, lứa tuổi mầm non là lứa tuổi trẻ rất hiếu động, tinh nghịch và dễ bắt chước người lớn. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho các cháu thì cô giáo cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái. Bên cạnh đó, lời nói, cách thức giao tiếp giao tiếp, thái độ ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh học sinh và đặc biệt là với các cháu cần phải chuẩn mực. Bản thân phải luôn là tấm gương sáng để các cháu noi theo.
Cô Nhàn tâm sự: “Được trở thành giáo viên mầm non – là người mẹ thứ 2 của các con” đó là niềm vinh dự lớn đối với bản thân tôi. Tuy nhiên, đối với một giáo viên trẻ mới ra trường, niềm vinh dự lớn này tạo cho tôi khá nhiều sức ép. Trải qua giai đoạn đầu đầy khó khăn và bỡ ngỡ, có những khoảng thời gian tưởng chừng như không thể tiếp tục với ước mơ của mình. Nhưng bằng nghị lực bản thân và nhất là niềm yêu thích với nghề, sự yêu mến với các bé, tôi đã phấn đấu, nỗ lực, rèn luyện bản thân, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Đối với tôi, công việc trọng tâm của người giáo viên Mần non chính là những giờ vui chơi và học tập cùng các bé. Tôi luôn tâm niệm làm thế nào để có những giờ học bổ ích, lý thú, cung cấp cho các bé kiến thức nền tảng đúng với lừa tuổi, giúp các bé tiếp thu nhanh và phát triển khỏe mạnh”. Chính nhờ sự cố gắng, nỗ lực cộng với niềm đam mê, sự tìm tòi sáng tạo và bằng cả tấm lòng của người nhà giáo dành cho các trẻ thân yêu của mình mà cô đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Cô đã dạy tất cả các lớp với nhiều lứa tuổi đến cuối năm cuối năm 100% các con cô dạy đều đạt danh hiệu “Bé khỏe, bé ngoan”.
Cô giáo Nhàn luôn gương mẫu đi đầu, có trách nhiệm cao trong công việc, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do nhà trường, ngành và địa phương phát động. Cô tham gia tích cực vào các hội thi, hội thao như: hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi tiếng hát cán bộ quản lý và giáo viên hội thi làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo các cấp… và luôn giành được các giải cao trong các hội thi. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi cấp quận”. Bên cạnh đó, cô còn tham gia và hưởng ứng nhiệt tình trong các phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao cũng như chương trình Hiến máu nhân đạo do công đoàn nhà trường, ngành, phường và địa phương phát động. Bản thân cô là tổ trưởng chuyên môn khối nhỡ, luôn cố gắng thực hiện tốt các hoạt động của nhà trường, phấn đấu có nhiều giờ dạy tốt và luôn nhắc nhở, động viên các giáo viên trong tổ thực hiện tốt quy chế chuyên môn, chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ, đồng thời xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy tại trường mần non Khương Đình và đạt được kết quả cao. Cô luôn là người chị, người em luôn nhiệt tình giúp đỡ chị em đồng nghiệp trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ, trong việc soạn giáo án điện tử, viết sáng kiến kinh nghiệm. Cô cũng chính là người đi đầu trong việc cập nhật thông tin và đăng tải thông tin về các hoạt động của nhà trường, hoạt động của cô và trẻ, lên cổng thông tin điện tử của nhà trường.
Bằng sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, cô đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp Quận trong nhiều năm liên tiếp và đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua như giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp Quận liên tiếp từ năm 2010 đến năm 2022.
- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2012- 2013; 2014 -2015; 2018 -2019; 2021 -2022..
- Năm học 2013 - 2014 đạt danh hiệu “ Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”
- Năm học 2021 – 2022: đạt danh hiệu Đăng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cô luôn kiên cường không ngại khó khăn tích cực tham gia các hoạt động của trường của lớp.
Dù bận rộn với công tác chuyên môn và các hoạt động phong trào của nhà trường, nhưng với tấm lòng “Lá lành đùm lá rách” cô vẫn dành những ngày nghỉ của mình tham gia vào các hoạt động từ thiện ở các nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đoàn từ thiện của cô thường đặt chân đến những bản làng, những ngôi trường vùng cao. Nơi đây có các em học sinh nghèo, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Khi được hỏi lý do khiến cô Nhàn giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà không phải là đối tượng khác, cô trả lời rằng: “Trẻ em như búp trên cành, ngây thơ, trong sáng. Sinh ra trong gia đình nghèo, ở những nơi hẻo lánh, điều kiện khó khăn đã là một thiệt thòi lớn. Các em lại không được đến trường thường xuyên. Khác với các em được sinh ra ở thành phố, có đầy đủ điều kiện vật chất, tinh thần, tôi lại càng thương các em hơn. Đó là động lực thôi thúc tôi phải đi để giúp đỡ các em, trao cho các em nguồn động viên nhỏ để các em tiếp tục vững bước trên con đường học hành của mình”.
Hành trang cô mang theo trên những chuyến đi từ thiện chỉ là những bộ quần áo, những đôi giày, những cuốn sách, quyển vở, đôi khi là những phần quà, tuy giá trị không lớn nhưng chứa đựng trong đó là cả một tấm lòng yêu thương của cô đối với những hoàn cảnh khó khăn, bởi theo cô: “Sống là cho đi, nụ cười là món quà nhận lại”. Và việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ mầm non mang lại cho giáo viên rất nhiều trải nghiệm, cung bậc cảm xúc,... Trong những năm tháng đầu đời, được đồng hành cùng tuổi thơ để nuôi dưỡng cảm xúc chân thành, đáng yêu của trẻ là niềm hạnh phúc bình dị đong đầy tình thương và bao dung của các cô. "Chưa từng làm mẹ nhưng em có một đàn con. Khi chưa sinh con, bao người gọi em là mẹ. Sao mà yêu thế, em nâng những búp tay thon. Vì yêu các con, em là cô giáo mầm non". (bài hát Tâm tình cô giáo mầm non). Tình yêu thương với những đứa trẻ sẽ là động lực không nhỏ để các cô gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, sự thấu hiểu và đồng hành từ phía phụ huynh, xã hội cũng sẽ là điểm tựa quan trọng để các cô chinh phục nhiều trải nghiệm thú vị.
Và rồi sau mỗi ngày hoàn thành công việc tại cơ quan, cô Nhàn lại miệt mài với trăm thứ việc không tên ở gia đình. Chăm sóc chồng con, lo lắng cho gia đình. Gia đình cô luôn vui vẻ, hạnh phúc. Chồng cô luôn là người cảm thông và chia sẻ mọi buồn vui cùng cô, luôn tranh thủ làm hết sức mình để tạo thời gian giúp vợ hoàn tất nhiệm vụ cơ quan. Hai con cô chăm ngoan, học giỏi và nay cả hai đều đã thành đạt trở thành những công dân tốt, là học sinh giỏi với nhiều thành tích cao và vẫn luôn phấn đấu để không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của bố mẹ. Không những được bạn bè yêu quý, cô Nhàn còn luôn được bà con lối xóm tin yêu, tôn trọng. Gia đình cô vẫn là một tấm gương tiêu biểu để mọi người noi theo học tập. Cô hoàn toàn xứng đáng là : Gương “Người tốt, việc tốt” mà mọi người cần học tập, tôn vinh.
Những trái thơm quả ngọt mà cô gặt hái được trong sự nghiệp là phần thưởng vô giá cho những nỗ lực không ngừng của một người thầy có tài, có tâm. Hơn mươì năm, bao thế hệ học trò của cô đã trưởng thành, họ cũng noi gương cô, cống hiến tài năng cho quê hương đất nước… Và trong trái tim tôi cũng như bao người đồng nghiệp khác, hình ảnh cô giáo Lê Thị Thanh Nhàn luôn sáng mãi với nụ cười rạng rỡ ấm tình đồng nghiệp, tình thầy trò thân thương. Một cô giáo với tâm nguyện cống hiến hết mình ươm những mầm xanh tương lai. Với những việc làm thiết thực và những thành tích đạt được như trên cô xứng đáng được trường mầm non Khương Đình ghi nhận là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp học tập và noi theo. Cô là tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến “Cô giáo – người mẹ hiền ươm mầm xanh đất nước” - một tấm gương sáng, tấm gương đạo đức hết lòng vì sự nghiệp trồng người cho thế hệ mai sau của trường mầm non Khương Đình.
Tác giả: Phan Thị Thanh