Một số thông tin sau sẽ giúp các bậc phụ huynh biết làm gì trước khi đưa tiêm phòng cũng như biết được khi nào không nên tiêm phòng cho trẻ?
Sau đây là những lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng:
Trẻ đang ho, uống kháng sinh, tiêu chảy có được tiêm phòng không?
Trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng rất thường gặp các triệu chứng sốt, ho, tiêu chảy.
Nếu trong trường hợp trẻ bị sốt, tiêu chảy và đang dùng thuốc kháng sinh, các bác sĩ khám sàng lọc sẽ chỉ định hoãn tiêm, chờ đến khi trẻ hồi phục sức khỏe mới tiến hành tiêm cho bé.
Nếu trẻ mọc răng nhưng không sốt, trẻ vẫn có thể tiêm bình thường. Trường hợp trẻ bị ho, sổ mũi, bác sĩ sẽ thăm khám sau đó sẽ chỉ định tiêm hay hoãn tiêm tùy trường hợp cụ thể.
Vậy, khi nào không nên đưa trẻ đi tiêm ngừa?
Trong một số trường hợp sức khỏe của bé không tốt, việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm cho trẻ. Những trường hợp sẽ được được hoãn lại tiêm phòng và chờ ý kiến quyết định của bác sĩ chuyên khoa gồm:
- Trẻ đang sốt cao >37,5oC hoặc hạ thân nhiệt <35,5oC
- Trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính
- Đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma) có nguy cơ viêm nhiễm toàn thân.
- Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch (có nước) màng phổi…, nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính…)
- Trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, nhưng còn đang trong thời kỳ hồi sức.
Lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng
Bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để thông báo cho bác sĩ trong quá trình khám sàng lọc trước khi tiêm. Nếu trẻ chưa đạt tiêu chuẩn về cân nặng hoặc có một trong các biểu hiện bệnh lý thì phải trì hoãn lịch tiêm cho đến khi trẻ đủ cân nặng, hết sốt hoặc khỏi bệnh.
Thông thường, bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe để xem có đủ điều kiện để tiêm chủng hay không như:
- Trẻ đã đủ cân nặng 2.5kg chưa? (Nếu là trẻ sơ sinh)
- Trẻ có bú (ăn), uống, ngủ, chơi bình thường không?
- Trẻ có đang sốt hay mắc bệnh gì không?
- Trẻ có đang dùng thuốc hoặc sử dụng phương pháp điều trị nào không?
- Trẻ có tiền sử dị ứng với thuốc hay thức ăn nào không?
- Trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc có phản ứng nặng ở các lần tiêm trước hay không? Nếu trẻ có các phản ứng nặng sau tiêm ở các lần tiêm trước thì sẽ ngưng tiêm các mũi tiếp theo (nếu có).
Việc khám sàng lọc trước khi tiêm chủng là việc rất cần thiết nhằm phát hiện những bất thường cần lưu ý để quyết định cho trẻ (người được tiêm) tiêm chủng, tạm hoãn việc tiêm chủng hay không được tiêm một loại vắc xin nào đó.
Vì vậy, người nhà của trẻ hay người đi tiêm chủng và bác sĩ cần hợp tác với nhau để đảm bảo việc tiêm chủng là đúng thời điểm, hiệu quả và an toàn.
Bác sĩ đang khám sàng lọc trước tiêm cho trẻ (ảnh tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hà Nội – số 180 Trường chinh, quận Đống Đa)
Ngoài ra, khi đưa trẻ đi tiêm chủng, bố mẹ (người chăm sóc) cần mang đầy đủ sổ/phiếu tiêm chủng và thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe, các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ theo dõi và phối hợp cùng bố mẹ đưa ra lịch tiêm chủng hợp lý, tránh bỏ sót hay nhầm lẫn.
Tóm lại, lưu ý quan trọng nhất khi đưa bé đi tiêm chủng chính là không bỏ qua việc khám sàng lọc và kiểm tra sức khỏe của bé. Ngoài tay nghề và trình độ chuyên môn của bác sĩ, kết quả khám sàng lọc trước tiêm chủng có chính xác hay không phụ thuộc nhiều vào những thông tin người nhà hay người đi tiêm chủng cung cấp cho bác sĩ và những thông tin bác sĩ phát hiện sau khi thăm khám.